Chính phủ mới đã định hình con đường cải cách
Friday, 02/06/2017
5 Lượt xem
LTS:Quốc hội Việt Nam đã thành lập nhiệm kỳ Chính phủ mới đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 4/2016. Một trong những nhiệm vụ chính của ông và Chính phủ trong nhiệm kỳ này là tăng cường hiệu quả hoạt động kinh tế của Việt Nam, giám sát việc tái cấu trúc nền kinh tế hướng tới một mô hình tăng trưởng bền vững và sáng tạo hơn.
Chín tháng qua Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng tỏ là một nhà lãnh đạo tích cực, có tư tưởng cải cách, và thân thiện với kinh doanh. Nhiều biện pháp giải quyết các nút thắt và cải thiện môi trường kinh doanh đã mang lại những thay đổi tích cực.
Miệt mài tháo gỡ những điểm nghẽn kinh tế
Trong những năm qua nền kinh tế của Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định, nhưng cũng nổi lên nhiều vấn đề lớn.Cụ thể, Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5,91% trong giai đoạn 2011–15. Cuối năm 2015, GDP của Việt Nam là 193,4 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.109 USD. Lạm phát, giảm từ 18,13% năm 2011 xuống còn 0,6% năm 2015; Một chính sách tiền tệ khá hiệu quả cũng giúp ổn định điều kiện vĩ mô và kích thích tăng trưởng. Lãi suất dần được cắt giảm khiến tín dụng tăng trở lại và dễ tiếp cận hơn đối với doanh nghiệp.[1] Đáng chú ý nhất là thương mại nước ngoài đã tăng đáng kể khi kim ngạch xuất khẩu tăng 18,5% một năm, đạt 162 tỷ USD năm 2015.[2]
Trong khi đó, hệ thống ngân hàng của Việt Nam còn mong manh; các doanh nghiệp nhà nước vẫn thiếu hiệu quả và xảy ra tham nhũng; trong khi thâm hụt ngân sách và nợ công phình to.
Nếu những vấn đề này được giải quyết thành công sẽ mang lại tín nhiệm cho Chính phủ mới và mang lại cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một nhiệm kỳ điều hành xuất sắc. Do đó, tiến hành cải cách để giải quyết những vấn đề này đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chính phủ của ông.
Cải cách hệ thống ngân hàng
Năm 2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều bước đi táo bạo. Cụ thể, NHNN đã giám sát 5 cuộc sáp nhập được nhà nước bảo trợ giữa các ngân hàng trong nước, giảm số ngân hàng thương mại của Việt Nam từ 42 xuống còn 34.[3] Ba ngân hàng khác đã phá sản về mặt kỹ thuật cũng được quốc hữu hóa.[4] Nợ xấu giảm trong toàn hệ thống, được công bố ở mức 3,15% trong tháng 5/2015, chủ yếu bằng cách chuyển các khoản nợ xấu từ các ngân hàng thương mại sang cho Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC) thuộc sở hữu nhà nước.
Dưới nhiệm kỳ của Thống đốc mới Lê Minh Hưng, NHNN có kế hoạch tiếp tục sáp nhập các ngân hàng trong nước để đưa số lượng xuống còn khoảng 15–17 ngân hàng vào năm 2020. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có kế hoạch sáp nhập mới nào được phê duyệt, và NHNN vẫn chưa công bố các kế hoạch sáp nhập trong tương lai.
Quá trình này cần có thời gian, và có thể NHNN đã thận trọng nhằm đảm bảo hệ thống ngân hàng trở nên mạnh hơn chứ không phải yếu đi trong quá trình này.
Trong khi một số chuyên gia kêu gọi Chính phủ sử dụng sử dụng ngân sách nhà nước để giải cứu một số ngân hàng gặp khó khăn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã có một tuyên bố táo bạo là Chính phủ sẽ xem xét “đóng cửa” một số ngân hàng yếu kém.
Thủ tướng hồi tháng 12/2016 cũng cho biết, Chính phủ đang làm việc với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng một đối tác tư nhân Việt Nam về kế hoạch bán những ngân hàng đã bị quốc hữu hóa cho các nhà đầu tư.[5] Nếu được thực hiện, các biện pháp như vậy sẽ phản ánh một sự thay đổi cơ bản trong tư duy và khuôn khổ pháp lý của Chính phủ đối với ngành ngân hàng.
Cải cách các doanh nghiệp nhà nước
Thực tế cải cách khu vực nhà nước thiếu hiệu quả và tham nhũng tràn lan cũng là một thách thức đối với Chính phủ mới. Một trong những yêu cầu quan trọng phải làm rốt ráo là đốc thúc cổ phần hóa các DNNN không thiết yếu và thoái vốn khỏi các DNNN đã cổ phần hóa.
10 tháng đầu năm 2016, chỉ có 51 DNNN được phê duyệt cổ phần hóa. Tốc độ cải cách do đó đã không đạt được kỳ vọng của Chính phủ.
Tháng 6/2016, Thủ tướng đã thúc giục hoàn thành chương trình cải cách DNNN giai đoạn 2011–15 và chuẩn bị kế hoạch cho giai đoạn 2016–20. Ngoài việc tìm cách đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, ông cũng nhấn mạnh về nhu cầu thoái vốn khỏi các doanh nghiệp không thiết yếu.
Ví dụ, Chính phủ đã quyết định bán toàn bộ cổ phần của mình tại Habeco và Sabeco, hai công ty bia lớn chiếm hơn 60% thị trường bia Việt Nam. Hai công ty này được cổ phần hóa vào năm 2008 nhưng việc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán đã bị trì hoãn và Chính phủ vẫn nắm cổ phần chi phối. Để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương đưa Habeco và Sabeco lên niêm yết trên sàn chứng khoán càng sớm càng tốt và tiến hành thoái vốn thông qua đấu giá công khai một cách minh bạch. Đến tháng 12/2016, quá trình niêm yết của hai công ty này hoàn thành, và việc thoái vốn dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2017.
Nhờ những nỗ lực đó, cải cách DNNN của Việt Nam có khả năng sẽ tăng tốc. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang tiến hành làm sạch bộ máy, nhằm vào các “nhóm lợi ích”. Chiến dịch này được kỳ vọng sẽ góp phần giảm sức ì chống lại các cải cách DNNN và khiến khu vực này trở nên minh bạch và hiệu quả hơn, đáp ứng mục tiêu kiến tạo, hành động như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết.
Đối phó với tăng thâm hụt ngân sách
Trong thập niên qua, thâm hụt ngân sách danh nghĩa của Việt Nam tăng liên tục, đạt mức 256 nghìn tỷ đồng (6,1% GDP) vào năm 2015.[6] Xem thâm hụt ngân sách là một nguy cơ lớn đối với sự ổn định kinh tế dài hạn của đất nước, Chính phủ mới đã đưa ra một số cải cách nhằm giảm thiểu vấn đề.
Chính phủ cũng quyết tâm thắt chặt chi tiêu công. Ví dụ như tổ chức hội nghị, cử cán bộ ra nước ngoài tham quan học tập, mua thiết bị văn phòng mới. Chính phủ cũng ban hành cơ chế cán bộ cấp bộ đi làm bằng taxi hoặc xe tư thay vì xe công. Quyết tâm “thắt lưng buộc bụng” của Chính phủ được triển khai quyết liệt bằng cách yêu cầu các bộ và chính quyền địa phương không được chi quá ngân sách được giao. Các dự án hạ tầng lớn và không khả thi về mặt kinh tế, như việc xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận cũng được hoãn lại.
Ngoài ra còn có những nỗ lực nhằm cắt giảm bộ máy quan liêu, và qua đó cắt giảm bảng lương của Chính phủ. Ví dụ, tháng 11/2016, Bộ Công Thương tuyên bố sẽ thực hiện một chương trình cải cách lớn nhằm giảm 7 đơn vị cơ quan trực thuộc.[7]
Chính phủ cũng cố gắng tối đa hóa thu ngân sách bằng cách ngăn chặn trốn thuế và các hành vi gian lận thuế. Chính phủ cũng cảnh báo không được đưa ra các chính sách có thể làm giảm thu ngân sách.
Để đối phó với thâm hụt, Chính phủ huy động nhiều nguồn tài chính khác nhau, đặc biệt là từ các thể chế tài chính quốc tế và thị trường trái phiếu trong nước.[8] Đồng thời, như đã đề cập ở trên, Chính phủ cũng đã cố gắng bán cổ phần của mình trong các doanh nghiệp cổ phần hoá nhằm bù lại phần nào thâm hụt.
Tuy nhiên, trong dài hạn, việc cải thiện môi trường kinh doanh và củng cố các doanh nghiệp Việt Nam nhằm duy trì một cơ sở thu thuế rộng và mạnh là tối quan trọng đối với những nỗ lực củng cố tài khóa của Việt Nam. Do vậy, tiến hành cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh cũng là một nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ mới.
Cải cách môi trường kinh doanh
Kể từ khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thể hiện quyết tâm nỗ lực cải cách. Một trong những cuộc gặp gỡ công chúng đầu tiên của ông sau khi được bổ nhiệm là đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp vào 29/4/2016.
Trong cuộc đối thoại, ông đã lắng nghe những phản ánh cũng như đề xuất của các doanh nhân, và gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm phục vụ cộng đồng doanh nghiệp tốt hơn. Ông hứa sẽ duy trì các chính sách nhất quán và tạo ra một sân chơi bình đẳng và thuận lợi cho mọi doanh nghiệp.[9] Một ngày trước đó, Thủ tướng đã ký một nghị quyết về những nhiệm vụ và giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.[10]
Hai tuần sau đó, ngày 16/5/2016, Chính phủ đã chỉ đạo bằng văn bản về kế hoạch phát triển doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020.[11] Đặt mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020. Chỉ đạo này cũng nhắm tới mục tiêu tăng cường tỷ lệ của khu vực tư nhân trong GPD lên 48–49%, và tỷ lệ đầu tư tư nhân trong tổng đầu tư xã hội lên 49%. Quan trọng hơn, nó đặt mục tiêu có 30–35% doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các hoạt động sáng tạo hàng năm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ đã xác định tiêu chí “Chính phủ kiến tạo” làm kim chỉ nam cho nghị trình cải cách. Khẩu hiệu này đã được biến thành một số hành động cụ thể nhất định.
Ví dụ, các quy định về thuế và hải quan đã liên tục được điều chỉnh cho hợp lý. Tháng 11, Quốc hội thông qua một đạo luật giảm 41 ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Nhiều luật và quy định hơn nữa sẽ được sửa đổi để cắt bỏ và tiếp tục giảm thiểu các rào cản đối với doanh nghiệp. Đặc biệt, Thủ tướng cũng hứa bãi bỏ đến 3.500 giấy phép kinh doanh.[12]
Quyết tâm cải thiện các điều kiện kinh doanh cũng được phản ánh trong một tuyên bố của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng: “Chúng ta quyết tâm không để xảy ra bất kỳ lỗ hổng nào trong hệ thống pháp luật, cắt giảm các điều kiện kinh doanh vô lý, tháo dỡ giấy phép kinh doanh, và đặt dấu chấm hết cho các nhóm lợi ích”.[13]
Nhìn lại chặng đường vừa qua, không khó để thấy, kể từ khi được thành lập vào tháng 4/2016, Chính phủ mới của Việt Nam đứng đầu là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thông qua nhiều cải cách khác nhau nhằm tăng cường hoạt động kinh tế của đất nước. Những nỗ lực cải cách này đã được quốc tế công nhận và đem lại một số kết quả tích cực ban đầu.
Ví dụ, Việt Nam đã tăng chín bậc trong Báo cáo Môi trường Kinh doanh 2017 của Ngân hàng Thế giới, là báo cáo đo lường mức độ thuận lợi trong kinh doanh ở 190 quốc gia trên thế giới.[14] Đồng thời, những cải cách về hải quan và liên quan đến thương mại đã giúp Việt Nam leo 14 bậc trong Chỉ số Thúc đẩy Thương mại 2016 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới.[15] Nếu được duy trì, những cải cách như vậy sẽ đóng góp đáng kể cho đà tăng trưởng trong tương lai.
Do Chính phủ mới nhậm chức mới gần 9 tháng, chặng đường đạt tới tăng trưởng bền vững vẫn còn rất nhiều vấn đề ngổn ngang. Cách Chính phủ theo đuổi nghị trình cải cách và đưa đất nước vượt qua năm 2017 được dự đoán có thể nhiều sóng gió sẽ mang lại nhiều manh mối về thành tích tương lai của kinh tế Việt Nam, cũng như hiệu quả của những quyết tâm cải cách mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chính phủ của ông đã cam kết.
Lê Hồng Hiệp
Lê Hồng Hiệp là nghiên cứu viên chính tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute), Singapore, và là giảng viên Khoa Quan hệ Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.